Sign In

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng: Không có dữ liệu, không thể quản lý ngành

17:02 25/07/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Không có dữ liệu, không thể điều hành, quản lý ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh hiện nay.

“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn như hiện nay”, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị sáng 25/7.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành là nhiệm vụ không thể trì hoãn. “Chúng ta phải quyết tâm làm được, làm bằng được. Tất cả điều kiện cần thiết đều đã có: quyết tâm chính trị, kinh phí, nhân lực. Vấn đề còn lại là hành động,” ông nói.

Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và môi trường

Hội nghị Nhóm công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá, rà soát các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng cùng ngày có sự tham dự và chủ trì của Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng; Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị chuyên môn liên quan.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chủ trì Hội nghị Nhóm công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá, rà soát các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khương Trung.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Tổ công tác số 3 được giao nhiệm vụ theo dõi và thúc đẩy tiến trình xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, hiện có 12 cơ sở dữ liệu quốc gia cần được xây dựng và hoàn thiện, chia thành 4 nhóm: đã vận hành; đã xây dựng nhưng chưa vận hành; đang xây dựng; và cần bổ sung.

Tổ công tác sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để đánh giá toàn diện tình hình, làm rõ mục tiêu và lộ trình. Các doanh nghiệp cũng sẽ được mời tham gia phối hợp nhằm tận dụng nguồn lực xã hội trong quá trình triển khai.

“Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu không chỉ hình thành nền tảng thông tin thống nhất từ Trung ương đến địa phương, mà còn là yếu tố trọng yếu trong công tác điều hành, quản lý và cải cách thể chế,” Thượng tướng Long nhấn mạnh.

Hướng tới hệ thống dữ liệu đồng bộ, liên thông

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin, trong bối cảnh chuyển đổi số là trụ cột của nền hành chính hiện đại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thiện và đưa vào vận hành 4 cơ sở dữ liệu quan trọng: nền địa lý quốc gia, viễn thám quốc gia, nghề cá quốc gia và khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo.

Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia đã kết nối thành công với dữ liệu dân cư của hơn 82.000 tàu cá. Hệ thống viễn thám hiện lưu trữ hơn 78.000 file ảnh và siêu dữ liệu, phục vụ công tác theo dõi tài nguyên và môi trường.

Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.

Song song đó, Bộ đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, trồng trọt, giống cây trồng; xây dựng mới các hệ thống như dữ liệu môi trường quốc gia, khí tượng thủy văn, nuôi trồng thủy sản và báo cáo thống kê ngành.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: 495 huyện cũ đã hoàn thiện dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất; 696/696 huyện hoàn tất kiểm kê đất đai; 34/34 tỉnh mới kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy vậy, nhiều hệ thống vẫn cần nâng cấp để đảm bảo kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả và an toàn thông tin trong toàn ngành.

Tháo gỡ những rào cản

Theo đánh giá, quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn: thiếu khung kỹ thuật, tiêu chuẩn quản trị dữ liệu, hạn chế về kinh phí, thủ tục rườm rà, năng lực nhân sự chưa đồng đều.

Việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương còn chậm. Hạ tầng số và nền tảng dùng chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của chuyển đổi số.

Để khắc phục, Bộ đã ban hành các kế hoạch như: Kế hoạch 754 ngày 18/2/2025, Kế hoạch 13 ngày 27/6/2025, Quyết định 480 ngày 27/6/2025, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hướng đến mục tiêu hoàn thành các cơ sở dữ liệu trước cuối năm 2025.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điều hành Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.

Cụ thể, Bộ ưu tiên hoàn thành: cơ sở dữ liệu đất đai trước 30/8; nền địa lý quốc gia trước 30/9; khí tượng thủy văn và viễn thám trước 30/11; các cơ sở còn lại hoàn tất trong năm. Giai đoạn 2026–2030, Bộ tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đảm bảo nguyên tắc: đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung.

Bộ cũng đề xuất Bộ Công an sớm ban hành khung kiến trúc dữ liệu tổng thể quốc gia, khung quản trị và từ điển dữ liệu dùng chung; đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương xây dựng dữ liệu đất đai và kết nối lên Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Các địa phương được yêu cầu sớm chuẩn hóa dữ liệu và kết nối hệ thống địa phương lên cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt tích hợp dữ liệu giống cây trồng vào hệ thống trồng trọt.

Gỡ điểm nghẽn dữ liệu và thủ tục hành chính đất đai

Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06, Bộ Công an cho biết, nhiều địa phương đã xây dựng cơ bản cơ sở dữ liệu đất đai gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất và điều tra cơ bản trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh chưa hoàn tất giao đất về cấp huyện, ảnh hưởng tiến độ chung.

Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06, Bộ Công an. Ảnh: Khương Trung.

Hiện nay, các đơn vị đã rà soát 1.100 thủ tục có thể đơn giản hóa nhờ dữ liệu điện tử thay thế hồ sơ giấy. Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý 100 thủ tục trong số này. Bộ cũng đề xuất tích hợp các loại giấy tờ từ nhiều cơ sở dữ liệu để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ được giao đề xuất danh mục dữ liệu cần bảo mật; phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, đảm bảo an toàn, bảo mật, phục vụ tốt hơn cho quản lý và cải cách hành chính.

Tái cấu trúc, loại bỏ hệ thống cũ, rời rạc

Kết luận Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng cho biết, qua triển khai công nghệ thông tin thời gian qua, nhiều phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu còn chồng chéo, thiếu tích hợp. Đây là thời điểm để rà soát toàn diện.

“Không phù hợp thì loại bỏ. Không tích hợp được thì bỏ. Không có gì phải tiếc”, ông nói và yêu cầu các đơn vị lan tỏa tinh thần này xuống tận cấp xã, nơi được coi là then chốt.

Lấy ví dụ từ lĩnh vực đất đai, ông cho biết từng công tác tại địa phương nên hiểu rõ tình trạng: nơi do Viettel làm, nơi VNPT, nơi thuê doanh nghiệp bên ngoài… dẫn đến hệ thống rời rạc, lãng phí và cản trở tiến trình số hóa.

Ông đề nghị Bộ Công an, đặc biệt là Cục C06 và các Thứ trưởng phụ trách của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, phối hợp triển khai. “Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, sẽ là chìa khóa thành công,” ông nói.

Xây dựng kế hoạch tổng thể, hành động ngay

Trên cơ sở kết luận Hội nghị, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể, phân công rõ nhiệm vụ đến từng Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng. Mục tiêu cụ thể là ban hành Chiến lược dữ liệu và Chương trình Chuyển đổi số của Bộ trước 30/9/2025; triển khai các cơ sở dữ liệu theo đúng tiêu chí: “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung”.

“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn như hiện nay”, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh. Ảnh: Khương Trung.

Quyền Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc điều tra hiện trạng cơ sở dữ liệu, giao Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nghiên cứu kỹ, xác định đúng trọng tâm, gắn với hệ thống chính quyền địa phương, nơi có tới 3.321 xã/phường/đặc khu nhưng rất thiếu cán bộ am hiểu sâu về đất đai.

“Dù Bộ đã có sổ tay hướng dẫn rất kỹ, nhưng do dữ liệu thực tế quá phức tạp nên chưa triển khai hiệu quả. Đây là dịp quan trọng để khắc phục,” ông nói.

Ông bày tỏ mong muốn Bộ Công an, các tập đoàn công nghệ và toàn ngành nông nghiệp và môi trường đồng hành cùng tinh thần cầu thị và quyết liệt nhất. “Chúng ta phải quyết tâm với nhau để hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ trong năm nay. Không được chậm trễ,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

 

nongnghiepmoitruong.vn

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ

Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 120/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt khi vận hành hồ thủy điện

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ vượt xa kịch bản dự kiến. Vì vậy, việc vận hành hồ chứa thủy điện phải tính toán kỹ lưỡng.

Tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả.