Sáng 10/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức Toạ đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình cùng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp.
Ô nhiễm các dòng sông là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm qua. Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều hệ thống sông ngòi ở nước ta ô nhiễm đến mức trầm trọng, mất đi chức năng của một dòng sông mà chỉ như kênh chứa nước thải như hệ thống các sông nội đô Hà Nội, hệ thống sông Cầu, hệ thống sông Nhuệ - Đáy hay hệ thống kênh thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm sông hồ, một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua năm 2023 là ưu tiên phục hồi các dòng sông chết nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.
Luật tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông như đang bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy.
Ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 2/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Chỉ thị đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhiệm vụ cụ thể, cấp bách để giải quyết vấn đề ô nhiễm các hệ thống sông.
Với mong muốn tạo ra một diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, thực tiễn khi triển khai chủ trương hồi sinh các dòng sông, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức toạ đàm Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết.
Toạ đàm có sự tham dự của các khách mời gồm:
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước.
GS.TS Trần Đình Hoà, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Chuyên gia Nguyễn Trường Duy, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Ông Lê Văn Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội.
Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình.
Người đẹp Phạm Thùy Dương - Đại sứ Du lịch và Môi trường HHVN 2024.
Phiên thảo luận 1: Thực trạng và nhận diện nguyên nhân
Mong thấy lại những dòng sông sông lãng mạn và yêu thương
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong thay mặt báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, chuyên gia đã có mặt tại buổi tọa đàm - một sự kiện mang nhiều ý nghĩa.
Nhà báo Phùng Công Sưởng nhìn nhận, quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, khiến cho các dòng sông tại Thủ đô suy thoái trầm trọng. 30 năm trước, đi qua dòng sông Tô Lịch người dân Thủ đô vẫn gặp những người câu cá, có thể mua những mớ rau muống xanh tốt được trồng tại đây... Nhưng đến nay, những cảnh ấy không còn, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu suy thoái, bốc mùi, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, mà còn liên quan đến vấn đề sức khỏe.
Nhà báo Phùng Công Sưởng phát biểu khai mạc tọa đàm.Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu một số ví dụ, nhấn mạnh rằng, mọi người đều cảm nhận được sự suy thoái của các dòng sông. Những con sông đi vào thơ ca nhạc họa như sông Nhuệ, Đáy, Cầu, kênh Bắc Hưng Hải... cạn kiệt, ô nhiễm nặng, bị xâm lấn. "Tất cả những điều đó tác động rất lớn không chỉ đến sức khỏe, hình ảnh mà còn là thương hiệu của Thủ đô chúng ta", ông Phùng Công Sưởng nói.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhận định: Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông như: Dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá... góp phần cải thiện môi trường các dòng sông. Các giải pháp này ít nhiều đã có kết quả nhưng về tổng thể vẫn cần những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tính liên kết cao hơn để kiểm soát được dòng nước.
Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, báo Tiền Phong – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có đối tượng là độc giả trẻ. Báo đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc thi Giấc mơ xanh, qua đó nhận thấy các cháu nhỏ có nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường rất tốt, lan tỏa giá trị tích cực đó lan tỏa xung quanh. Ngoài ra, trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 vừa qua, báo Tiền Phong đã chọn ra 4 đại sứ, trong đó có Đại sứ Du lịch và Môi trường, người đẹp này có sứ mệnh lan tỏa mục tiêu bảo vệ môi trường.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền PhongTổng Biên tập báo Tiền Phong thông tin, từ khi lên ý tưởng thực hiện toạ đàm, chia sẻ với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo Tiền Phong đã nhận được sự đồng tình để cùng thực hiện các giải pháp bảo vệ các dòng sông đã bị suy kiệt, suy thoái. Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”, báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội với mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng mổ xẻ khó khăn, hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất các dòng sông, để biến những dòng sông sông trở lại hình ảnh lãng mạn và yêu thương.
Khách mời tham gia thảo luậnNhiều dòng sông ô nhiễm ở mức độ báo động
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên ba lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển.
Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.
Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như sông Cầu đoạn qua Thái Nguyên, sông Sài Gòn qua TPHCM … Kênh rạch nội đô tại các đô thị lớn như Hà Nội TPHCM hiện nay không còn đúng nghĩa là dòng sông tự nhiên mà trở thành nơi dẫn nước thải.
Một số hệ thống sông liên vùng, liên huyện, liên tỉnh như Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy qua Hà Nội, Ninh Bình… cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các ao hồ trong khu vực đô thị vốn trước đây có vai trò tạo cảnh quan và điều tiết sinh thái – nay cũng trở thành nơi chứa chất thải, có mức độ ô nhiễm đáng báo động.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nướcTheo ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trước hết, đó là tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay. Dẫn số liệu thống kê, ông Hiếu cho biết, hiện lượng nước thải sinh hoạt sơ bộ lên tới hơn 9 triệu m³/ngày. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải đô thị hiện có khoảng 80 trạm, với tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 1,5 triệu m³/ngày. Thực tế mới xử lý được khoảng 17% lượng nước thải.
“Tiếp đó là tình trạng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề. Hiện có gần 300 khu công nghiệp trên toàn quốc, trong đó, khoảng hơn 270 khu đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phần còn lại, chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn xử lý nước thải phân tán tại chỗ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… diễn ra thiếu kiểm soát, dẫn đến tồn dư hóa chất chảy ra môi trường nước. Ý thức của con người chưa cao khi đổ chất thải rắn bừa bãi trên hệ thống kênh, sông, ao, hồ làm gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng.
Hoạt động khai thác cát, sỏi quá mức và các hoạt động khác nên nhiều dòng sông hiện bị suy giảm nghiêm trọng về lưu lượng nước, dẫn đến việc dòng chảy bị gián đoạn hoặc không còn. Khi mùa khô kéo dài, lượng mưa giảm hoặc mưa lớn gây ngập úng kéo dài cũng làm cho mức độ ô nhiễm tích tụ và gia tăng.
Các dòng sông chảy qua Ninh Bình đều đang ô nhiễm
Tại buổi tọa đàm ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là vùng hạ lưu, các dòng sông chảy qua địa phương đều đang bị ô nhiễm, đặc biệt là dòng sông Nhuệ. Cụ thể, chỉ số COD, BOD (chỉ số xử lý nước thải) đều vượt ngưỡng cho phép, nhất là vào mùa khô hạn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn nước mặt sinh hoạt và hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc ô nhiễm nghiêm trọng các dòng sông là do tỉnh là vùng hạ lưu nên địa phương tiếp nhận toàn bộ nước thải vùng thượng nguồn, và hoạt động xử lý rất thụ động.
Bên cạnh đó, còn do nguồn nước thải tại các vùng dân cư chưa thể thu gom. Các làng nghề đa số là hoạt động tự phát cho nên để kiểm soát nước thải làng nghề rất khó. Đặc biệt là các cụm công nghiệp hình thành trước 2005 hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được đầu tư đầy đủ cũng là nguồn cơn gây phát sinh ô nhiễm.
Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh BìnhTrong những năm qua, chính quyền đã có nhiều giải pháp để nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm các dòng sông. Tỉnh luôn tích cực trong công tác tuyên truyền nhận thức bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời tăng dày tần suất quan trắc để kiểm soát chất lượng nguồn nước. Đồng thời, nghiêm túc kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp để nâng cao vai trò, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong hoạt động xử lí nước thải kết hợp với rà soát quy hoạch chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động quản lý các dự án.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì là tỉnh cuối nguồn nên Ninh Bình thụ động hoàn toàn trong kiểm soát nguồn thải. Bên cạnh đó, xử lý nước thải cần lượng đầu tư rất lớn nên khó xử lý căn cơ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp thách thức lớn về việc chia tách xử lý nước thải làng nghề với nước thải sinh hoạt.
Về vấn đề liên kết vùng trong hoạt động xử lý nước thải, trước đây các địa phương đã hình thành Ủy ban sông Nhuệ - Đáy để có các giải pháp căn cơ, cơ chế giải quyết triệt để, tuy nhiên, vẫn chưa tới được đích. Sau khi hình thành tỉnh mới, đến nay, uỷ ban này vẫn chưa được tái lập lại. Tỉnh Ninh Bình kiến nghị tái thành lập Uỷ ban liên vùng các lưu vực sông để liên kết các vùng, đảm bảo tính thông suốt giữa thượng nguồn với hạ nguồn, từ đó thông tin mới kịp thời để giải quyết và xử lý các vấn đề tồn đọng.
Từng phải bổ cập nước cưỡng bức để “cứu” sông Bắc Hưng Hải
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên cho rằng, về kinh nghiệm xử lý môi trường các dòng sông thì nhiều nước đã triển khai, nhưng do kinh phí lớn, thời gian dài nên khi áp dụng ở Việt Nam, cụ thể ở các dòng sông, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thể triển khai đồng bộ. Về nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, thì đã có nhiều hội nghị, hội thảo chỉ ra, trong đó có nguồn thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh và nước thải sinh hoạt…
Tại toạ đàm này, chúng tôi đưa ra một số ý kiến từ thực tế ở Hưng Yên. Ở Hưng Yên, hằng năm tỉnh đều có kế hoạch quan trắc mực nước, mức độ ô nhiễm trên các dòng sông trên địa bàn, trong đó có dòng sông Bắc Hưng Hải. Kết quả đã có nhiều cải thiện, trong đó tỷ lệ mức tốt tăng, tỷ lệ mức trung bình tăng, tỷ lệ mức kém giảm. Từ thực tế này, đã thúc đẩy tỉnh quyết tâm tiếp tục quan trắc, kiểm soát tốt các nguồn nước tại các con sông.
Thực tế, các nguồn nước thải ra tại Hưng Yên hiện nay có đến 65% chưa được xử lý. Trong các kế hoạch phát triển, tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề môi trường trong đó có xử lý các nguồn nước thải, nhưng như đã nói ở trên, do nguồn kinh phí lớn, cần đầu tư bài bản nên tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông vẫn lớn; tỷ lệ nước thải đã qua xử lý chưa đạt được như mong muốn.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng YênThời gian qua, Sở NN-MT Hưng Yên đã tham mưu tỉnh một số giải pháp để cải thiện trong thời gian tới; trong đó có ban hành quy định về TN-MT nêu rõ, nguồn thải cứ khoảng 100 m3 trở nên thải ra môi trường là phải có hệ thống xử lý độc lập; kiểm soát nguồn ô nhiễm từ đầu nguồn, trong đó các nguồn nước lớn thải ra các con sông đều được quan trắc.
Về câu hỏi có cách nào để cứu dòng sông Bắc Hưng Hải, tôi có ý kiến thế này. Hiện nay, công nghiệp, đô thị Hưng Yên diễn ra rất mạnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn rất quan trọng và đang được tỉnh quan tâm trong các năm qua. Với dòng sông Bắc Hưng Hải, hiện nay cần có giải pháp quản lý phù hợp từ bộ ngành đến các địa phương có liên quan.
Chúng ta cần xác định đây là kênh hay sông để có giải pháp quản lý, ứng xử phù hợp. Vì hiện nay dòng sông này rất quan trọng với Hưng Yên, tuy nhiên hiện nay do không được bổ cập nước nên có thời gian trở thành dòng sông khô cạn. Để phục hồi, tỉnh đã phải bổ cập nước cưỡng bức. Nhưng giải pháp này chỉ là cục bộ, do địa phương thực hiện. Để phục hồi tốt dòng sông, rất cần Bộ NN-MT có giải pháp quản lý và điều tiết nước đồng bộ… Bổ cập nước vẫn là giải pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm môi trường và tránh việc dòng sông bị khô cạn.
Liên quan đến phần trao đổi của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước chỉ ra thực trạng liên kết vùng trong quản lý tài nguyên nước.
Ông Hiếu cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã quy định về việc tổ chức quản lý lưu vực sông, nhằm tạo cơ chế điều phối, phối hợp giữa các địa phương trong cùng lưu vực. Nghị định 53/2023/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết các nội dung về tổ chức quản lý dòng sông, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh vốn là những điểm nghẽn lâu nay trong công tác bảo vệ nguồn nước.
Liên quan đến sông Bắc Hưng Hải, theo ông Hiếu, hiện nay trong danh mục các dòng sông liên tỉnh đã xác định rõ kênh Bắc Hưng Hải là một dòng sông. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Bắc Hưng Hải cần có lộ trình thực hiện lâu dài và bền vững.
Sông muốn sạch phải có nước sạch, tắc ở đâu khơi thông ở đó
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong thành phố cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Hoa, nguyên nhân chính do tốc độ đô thị hóa rất lớn, ý thức của người dân không giữ gìn vệ sinh, vứt rác ra sông hồ. Tình trạng quản lý đất đai lấn chiếm lòng sông, hồ.
"Chúng tôi đang rà soát tham mưu cho UBND TP Hà Nội, để nâng cấp trách nhiệm, ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Phải xốc lên, phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", ông Hoa nói.
Cùng với đó, theo ông Hoa, nguyên nhân còn do quy hoạch trước đây tất cả hệ thống xả thải, kể cả xả thải sinh hoạt, công nghiệp từ các cụm công nghiệp chưa có thiết kế xử lý thu gom vào khu vực riêng. Nhiều nơi có tình trạng xả thải trực tiếp ra các dòng sông.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà NộiMột nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy. Theo ông Hoa, hiện mực nước của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn so với trước đây, có thời điểm thấp hơn mặt nước trước đây và thiết kế đê tối đa 14m nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thủy lợi. Có những công trình xây dựng từ thời Pháp, có công trình xây những năm 60-70, thiết kế mực nước so với hiện nay chênh 2-4m. Vì vậy nay phải đầu tư máy bơm thì mới có thể bơm lên được. Đây là nguyên nhân chính gây ra nước sông nội đô bị thấp hơn, không bơm vào thì không có nước chảy trong nội đô.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh hỗ trợ Hà Nội bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, hướng tới bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống thủy lợi, đê điều để bảo vệ nguồn nước sạch từ thượng nguồn đến hạ lưu để dòng sông sạch đẹp đi qua các địa phương.
Về giải pháp của thành phố "hồi sinh" các dòng sông, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô. Cụ thể, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, củng cố các trạm bơm và trạm xử lý nước thải. Ví dụ như hiện nay Hà Nội đang nghiên cứu để trình 2 tháng nữa khởi công đầu tư xây dựng trạm bơm ở cụm đầu mối Liên Mạc trực tiếp bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt với mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ.
Ông Hoa chia sẻ: Sở Nông nghiệp và Môi trường đang thẩm định để trình UBND TP phê duyệt. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước trực tiếp vào hệ thống sông Nhuệ. Giai đoạn 2 tiếp tục kè sông Nhuệ từ đê Liên Mạc đến hết cầu Trắng.
Một dự án khác được nghiên cứu tại khu vực huyện Phúc Thọ (cũ), sẽ được xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để bơm nước từ sông Hồng và lưu vực sông Đáy.
Song song với đó, sở đã khảo sát và thường xuyên giao các công ty công trình thủy lợi rà soát nâng cấp hệ thống thủy lợi, liên quan đến rất nhiều dòng sông nội đô. "Nguyên tắc sông muốn sạch phải có nước sạch, tắc ở đâu phải khơi thông ở đó. Đó là nguyên tắc cải tạo các dòng sông", ông Hoa khẳng định.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó đã phát động cải tạo nâng cấp các hệ thống hồ chứa, kể cả hồ thủy lợi vừa dự trữ nước, vừa đảm bảo môi trường. Thực tế đã có những hồ rất ô nhiễm, nay có thể tắm, cảnh quan rất đẹp như ở Hoài Đức, Đông Anh... Hiện với trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với những hồ do Thành phố quản lý, sở đang cho rà soát và xây dựng đơn giá định mức để kết hợp với thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, dự trữ nước, kết hợp nông nghiệp với du lịch.
Xử lý ô nhiễm nguồn nước mang tính toàn cầu
Trao đổi tại buổi tọa đàm, GS.TS Trần Đình Hoà, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, thực trạng suy thoái cạn kiệt nguồn nước đang rất trầm trọng, việc phục hồi không thể chậm trễ hơn nữa.
Bản chất việc suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của các địa phương đó là vấn đề tổng thể mang tính toàn cầu về an ninh nguồn nước. Đánh giá về các thách thức mà các tỉnh thành phải đối mặt, ông Hoà đã chỉ ra 3 nhóm thách thức chính trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước.
GS.TS Trần Đình Hoà - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt NamTrong đó, nguyên nhân trọng yếu tới từ sự phát triển nội tại trong các đô thị. Sau công cuộc đổi mới năm 1986, dân cư, khu đô thị mở rộng, nông thôn đô thị hoá, áp lực gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế xã hội tạo ra áp lực rất lớn về việc sử dụng nguồn nước và xử lý nước thải. Đây là thách thức mà cả nước đang gặp phải, đẩy nhu cầu sử dụng nước tăng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc kiểm soát nguồn nước. Cụ thể, tổng nguồn nước Việt Nam là 830 tỉ m3 nước/ năm nhưng lượng nước này phần lớn lại đến từ nước ngoài. Riêng tại đồng bằng sông Hồng có lượng nước khoảng 140 tỉ m3/năm nhưng đã có tới 40% lượng nước từ nước ngoài.
Ngoài ra, chúng ta phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu rất trầm trọng hơn khi mùa mưa đến sớm và ít hơn.
“Các vấn đề trên đều mang tính toàn cầu, để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt không phải của riêng địa phương nào. Bởi vậy, các địa phương phải bắt tay hợp tác giải quyết, không chỉ tại các địa phương có dòng sông chảy qua mà tất cả các địa phương liên quan cần liên kết để có giải pháp tổng thể. Việc liên kết vùng không chỉ riêng về vấn đề thuỷ lợi, ứng phó thiên tai mà phải quyết liệt xử lý nước thải liên quan tới cả hệ thống dòng sông”, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, theo ông Hoà, các công trình hiện nay đều được định hướng sử dụng với đa mục tiêu, không đơn thuần là cấp thoát nước, tưới tiêu mà nó được tận dụng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Phiên thảo luận 2: Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết
Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông
Trong khuôn khổ Kế hoạch số 746 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhằm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số lưu vực sông, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng các nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể, như rà soát, công bố và tổ chức kiểm tra việc xả thải của các tổ chức, cá nhân; đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc chất lượng nước trên các lưu vực sông; kiểm soát các hoạt động nông nghiệp và công trình thủy lợi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước…
Theo kế hoạch, Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 1 năm 2026. Đây là một chương trình tổng thể, hướng tới phục hồi nguồn nước một cách bền vững, thông qua rà soát và đánh giá lại tình hình sử dụng nước, thu gom và xử lý triệt để nước thải, đồng thời đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng nêu một số nhóm giải pháp của đề án như rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy trình vận hành của hệ thống công trình thủy lợi hiện có - vốn trước đây được xây dựng theo hướng đơn mục tiêu, nay cần phục vụ đa mục tiêu; xây dựng và ban hành mô hình tổ chức lưu vực sông, từng bước thực hiện thí điểm để phục hồi các nguồn nước; đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để, đồng thời xây dựng các công trình điều tiết nhằm đảm bảo dòng chảy, đặc biệt là tăng cường lưu lượng nước cho các sông nội đô…
Khách mời tham gia thảo luậnĐể thực hiện thành công Đề án, ông Hiếu cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm kiểm soát nguồn thải, giám sát hoạt động sử dụng tài nguyên nước và theo dõi diễn biến chất lượng nước. Bộ Xây dựng cần rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách, đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo hướng xã hội hóa. Bộ Công Thương đóng vai trò quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp. Bộ Tài chính cần chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội để hỗ trợ cho các địa phương. Bộ Công an đảm nhiệm điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xả thải và gây ô nhiễm.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, ông Hiếu đánh giá cao vai trò và sự tham gia của khối doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hệ thống công nghệ tiết kiệm nước, thiết bị xử lý nước thải thân thiện với môi trường và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Đề án cũng khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động như nạo vét, cải tạo dòng chảy, góp phần cùng Nhà nước bảo vệ và phục hồi các dòng sông.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các Bộ, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, ông Hiếu tin rằng, hoàn toàn có thể từng bước làm sống lại những dòng sông đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng: Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, nhà ông ở gần sông Tô Lịch, hằng ngày đi qua, nhiều năm đã chứng kiến sông Tô Lịch từ lúc sạch, xanh mát, đến khi bẩn, và đang hồi sinh như thế nào.
Gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền. Đây có lẽ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và bài học lớn nhất. Vị chuyên gia dẫn chứng Trung Quốc với bài học xử lý làm sạch sông Dương Tử, Israel làm sạch sông Jordan, Hungary với hồ Balaton... "Thành công đó đầu tiên phải là sự quyết tâm của chính quyền, quyết tâm này thể hiện ở việc giải quyết vấn đề rất cụ thể để làm sạch các dòng sông", ông Tùng nói.
Ông Tùng dẫn chứng, ở Trung Quốc, với sông Dương Tử, họ phân ra các lưu vực, tiểu lưu vực để xử lý. Ở Việt Nam có lẽ cũng cần tham khảo kinh nghiệm này, chia ra những khu vực cụ thể liên quan đến các dòng sông để biết ô nhiễm ra sao và đề ra phương pháp xử lý.
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trườngTheo ông Tùng, ở Trung Quốc, họ đưa ra những giải pháp xử lý với những công trình khác nhau, làm cả tập trung lẫn phân tán. Hà Nội cũng đang làm tập trung nhưng cũng còn rất nhiều giải pháp phân tán khác. Vị chuyên gia khuyến nghị thực hiện các giải pháp phân tán như lắp trạm bơm nhỏ dọc sông. Giải pháp này vừa nhanh, rẻ và bổ cập được nước ngay tại chỗ không phải đợi đến cuối nguồn bơm ngược lại.
Ngoài ra, các quốc gia khác đã dùng công nghệ số, nhanh và nhiều, như đặt cảm biến giá rẻ để quan trắc chất lượng nước sông. Toàn bộ chất lượng nước được quan trắc ngay, phổ biến ngay trên mạng cho toàn dân biết, cơ quan quản lý biết. Trách nhiệm bảo vệ sông không chỉ là của cơ quan nhà nước, không của bộ nào mà họ gắn đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cần tăng cường quan trắc trực tuyến
Theo ông Tùng, hiện nay đã triển khai chính quyền 2 cấp, do đó phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã, cấp phường. Như các nước, họ có KPI, dùng hệ thống GIS rõ phường nào, xã nào chịu trách nhiệm. Họ biết ngay nơi nào đang phát thải cái gì. Từ đó yêu cầu các cơ sở sản xuất xả thải hơn 10m3 phải lắp đồng hồ quan trắc thông minh.
"Dùng bao nhiêu, thải bao nhiêu, phát ngay trực tiếp để đơn vị quản lý biết ngay. Như thế tất cả hệ thống kiểm soát các nguồn thải, cảm biến quan trắc đến hàng giây, điều tiết rất nhanh. Đó là những cái phải học tập", ông Tùng nói.
Một mục quan trọng mà ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh là phần đầu tư. Theo ông Tùng, trong tất cả việc quan trọng là kinh phí. Để làm sạch sông Dương Tử, Trung Quốc chi phí cả trăm tỷ USD mới cứu được dòng sông, nếu không có tiền thì không thể phục hồi.
Nói về hoạt động các dòng sông hiện nay của Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm trong vấn đề môi trường. Thực tế sông Tô Lịch đã có chuyển biến rõ rệt, các nhiệm vụ có kỳ hạn thực hiện, trách nhiệm phường, xã rõ ràng. Ông Tùng đánh giá cao và mong muốn TP Hà Nội tiếp tục giữ tinh thần nhiệt huyết như vậy.
Vị chuyên gia cũng mong muốn, Hà Nội có thêm các giải pháp đổi mới tư duy, chuyển đổi số hơn cho những dòng sông. Trong đó cần quan trắc trực tuyến để có nhiều số liệu hơn, cụ thể hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ hiện lên phân bố trên bản đồ GIS cụ thể cho từng tiểu lưu vực.
"Mỗi dòng sông phải có các giải pháp khác nhau, không thể có giải pháp chung được. Muốn có giải pháp riêng phải có dữ liệu số, quan trắc riêng biệt", ông Hoàng Dương Tùng nói.
Nghiên cứu giải pháp tôn đáy sông, tạo các đập dâng
Theo Chuyên gia Nguyễn Trường Duy - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam: các dòng sông đã kêu cứu cách đây 20 năm. Các địa phương đều kiến nghị rất lâu, đến nay đã triển khai một số giải pháp nhưng lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Duy đề xuất các giải pháp quan trọng, gồm giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Trong đó, với các giải pháp về công trình, phương án tạm thời sử dụng trạm bơm điện đã đem lại những hiệu quả tức thì, tuy nhiên nếu dùng lâu dài rất tốn kém và không đạt hiệu quả tổng thể.
Hoạt động này chủ yếu để phục vụ tưới tiêu, sản xuất chứ khó có thể xử lý nước xả thải tại các địa phương. Thực tế, một số các trạm bơm không mở rộng được đường dẫn thì rất khó để hoạt động đem lại hiệu quả tốt.
Chuyên gia Nguyễn Trường Duy - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt NamVề lâu dài, theo ông Duy, cần tạo ra nguồn chảy cho các dòng thì mới tạo ra giá trị thực tế. Mực nước các sông hiện nay đều hạ thấp, chỉ có giải pháp là tôn đáy sông, tạo các đập dâng mới có thể đảm bảo mực nước, giúp khai thác các dòng sông theo hướng đa mục tiêu, đa ngành, ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bàn về giải pháp phi công trình, chuyên gia đề nghị cần làm triệt để việc nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực, vật lực để xử lý nước thải, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp.
Hiến kế cho các cấp quản lý, ông Duy cho rằng, công tác quản lý, cấp phép xả ra môi trường đang còn nhiều bất cập, nhất là cơ sở pháp lý và thẩm quyền xử lý. Chỉ khi cấp quản lý được cấp quyền xử lý để giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm thì khi đó hiệu quả xử lý nước thải mới cải thiện.
“Chúng ta cũng cần chỉnh trang khu vực hai bên bờ sông từ đó nâng cao ý thức người dân. Đồng thời mở cửa cho xã hội hóa, cho phép các doanh nghiệp tư nhân vào đấu thầu tự quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng bờ sông”, chuyên gia Nguyễn Trường Duy cho biết.
Chăm sóc 'sức khoẻ' hệ thống thoát nước để giảm ô nhiễm, úng ngập
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nạo vét, khơi thông dòng chảy và duy trì hệ thống cống thu gom nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, giảm thiểu tình trạng xả thải trực tiếp ra sông.
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà NộiVới hơn 50 năm kinh nghiệm quản lý và vận hành hệ thống thoát nước đô thị, ông Sơn cho rằng đội ngũ công nhân, kỹ thuật của công ty “thuộc từng cái ga, cái cống, từng đoạn sông”, nắm rõ đặc điểm vận hành của hệ thống trong cả mùa mưa lẫn mùa khô. Từ thực tiễn đó, đơn vị luôn có kế hoạch cụ thể về thời điểm nạo vét, thời điểm ứng trực, cũng như các vị trí có nguy cơ tắc nghẽn cao để chủ động xử lý kịp thời.
Theo ông Sơn, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện nay là hệ thống hỗn hợp, thu gom cả nước thải và nước mưa. Vì vậy, công tác nạo vét không chỉ tập trung ở cuối nguồn mà phải bắt đầu từ các điểm đầu, từ các ga, nhánh nhỏ. Đặc biệt, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành, ở các ga thu gom phải bố trí rọ chắn rác và bẫy nước để tránh rác thải trôi theo dòng nước về sông, gây tắc nghẽn và ô nhiễm. Công nhân được bố trí trực theo nhiều chu kỳ hơn để đảm bảo nhặt rác thường xuyên, duy trì sự thông suốt cho toàn hệ thống.
“Từ thực tế tiếp xúc hàng ngày với nước thải, chúng tôi hiểu rõ rằng nếu ‘sức khỏe’ của hệ thống cống, của dòng sông được đảm bảo, thì chính sức khỏe của anh em công nhân vận hành cũng được bảo vệ” ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến hệ thống thoát nước đô thị. Những đợt nắng kéo dài, oi bức khắc nghiệt xen kẽ với các trận mưa cường độ lớn, dồn dập trong thời gian ngắn đã và đang khiến tình trạng úng ngập diễn biến phức tạp hơn. Trong điều kiện đó, nếu xảy ra tình trạng tắc nghẽn do nước thải, dầu mỡ tích tụ, ô nhiễm sẽ gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.
Tạo dòng chảy - làm sống lại sông Tô Lịch
Theo ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.
Trước mắt, thành phố đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Các dự án thu gom và cải tạo lòng sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu chậm nhất đến 30/8/2025 phải hoàn thành.
Tiếp đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành lấy nước vào để phục hồi dòng chảy trên sông Tô Lịch. Về nguồn nước lấy vào sông Tô Lịch, trươc mắt sẽ lấy chính từ nguồn nước thải đã xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà NộiKhi nguồn nước này đã được xử lý đổ ra sông sẽ được hệ thống đạp dâng được xây dựng ở cầu Quang (phường Hoàng Liệt) giữ lại ở độ sâu theo tính toán. Để tạo dòng chảy, sẽ lấy nước từ hồ Tây đã được xử lý trước khi đưa vào sông Tô Lịch ở Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ). Từ hai nguồn nước này, sẽ tạo được dòng chảy trên sông Tô Lịch.
Về giải pháp lâu dài, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng hai bên sông Tô Lịch. Mục đích tạo cảnh quan nhằm phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan, tạo được không gian văn hóa hướng tới phát triển du lịch.
Thành phố mong muốn biến hai bên bờ sông thành điểm văn hóa, điểm đến cho người dân Thủ đô và khách du lịch. Để thực hiện được việc này, thành phố đang giao cho Sở Xây dựng tổ chức lấy các ý kiến cộng đồng và tổ chức các cuộc hội thảo để có thêm các tham vấn hữu ích từ các tổ chức xã hội.
Người đẹp Phạm Thùy Dương: Người trẻ nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường
Tại toạ đàm, chia sẻ về vai trò của người trẻ đối với việc bảo vệ các dòng sông, Đại sứ Du lịch và Môi trường – Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2024 - Người đẹp Phạm Thùy Dương, cho rằng, các thế hệ trẻ ngày nay đang không ngừng nỗ lực chung tay vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dòng sông.
Bằng cách riêng, người trẻ đang bắt đầu từ những việc nhỏ, như việc dọn rác, không vứt rác bừa bãi ra môi trường, đồng thời lan toả tới cộng đồng các giá trị nhân văn.
Người đẹp Phạm Thùy Dương - Đại sứ Du lịch và Môi trườngCác chiến dịch như Hà Nội xanh, Chủ nhật xanh,... thể hiện rõ nét nhất các nỗ lực dọn rác cho các dòng sông Thủ đô nói chung và cả nước nói riêng.
Không những vậy, các bạn trẻ còn đang dùng đa nền tảng để kết nối, lan tỏa những thông điệp có ích, dùng nó như một công cụ để lan toả thông điệp một cách tích cực, tạo ra sự thay đổi trong tư duy cộng đồng và thay đổi nhận thức người trẻ về môi trường.