Sign In

Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khung chính sách quản lý nước tại Italia

16:00 22/05/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Từ ngày 19/5 đến ngày 23/5/2025, Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Châu Trần Vĩnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khung chính sách quản lý nước tại Italia.

Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hiện nay, Cục đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Italia (AICS) triển khai hoạt động hợp tác về quản lý tài nguyên nước. Trong khuôn khổ hợp tác, AICS thông qua Tổ chức nghiên cứu CIMA đã có nhiều hỗ trợ Cục về tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, tập trung vào hệ thống hỗ trợ ra quyết định, quản lý lưu vực sông, hệ thống cảnh báo sớm tài nguyên nước, hệ thông thông tin, dữ liệu, quan trắc giám sát nguồn nước và điều hòa, phân bổ tài nguyên nước.

Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông

Trong khuôn khổ chương trình công tác, Đoàn đã có buổi làm việc với Cơ quan quản lý lưu vực sông Appennino (một lưu vực sông miền Trung của Italia) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý lưu vực sông, phương thức sắp xếp tổ chức; kết nối với các bên liên quan khác trong lĩnh vực tài nguyên nước; Chiến lược về phân bổ tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho các lĩnh vực khác nhau; quản lý rủi ro lũ lụt và hạn hán, và mối liên kết với hệ thống bảo vệ dân sự.
Ông Marco Casini, tổng thư ký của Cơ quan quản lý lưu vực sông Appennino cũng cho biết, ở Italia thường phải đối mặt với các rủi ro thiên tai như: hạn hán, sạt lở, cháy rừng, lũ lụt, động đất. Trong đó, có đến 80% sạt lở động đất tại Châu Âu xảy ra tại Italia; 94 thành phố ở Italia có rủi ro về địa chất thủy văn; 1,3 triệu dân đang sống trong khu vực bị lở đất; 12 triệu người sống trong khu vực địa chất không ổn định; riêng khu vực miền Trung do ủy ban quản lý thì có khoảng 1,2 triệu dân sống trong khu vực rủi ro.

“Hiện nay, toàn bộ nước Ý đang đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước như: đẩy mạnh hạ tầng, tăng lượng nước tích trữ, đẩy mạnh kết nối hệ thống, tái sử dụng nước thải; tăng cường nguồn ngân sách để thực hiện các dự án về quản lý tài nguyên nước, riêng ngân sách cho khu vực miền Trung thực hiện là 5 tỷ Euro để phân bổ cho các dự án đến năm 2030” - Ông Marco Casini chia sẻ.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ thuộc Cơ quan quản lý lưu vực sông Appennino

Tại buổi làm việc, Cơ quan quản lý lưu vực sông Appenines cũng giới thiệu với Đoàn công tác về các giải pháp ứng phó với các hiện tượng cực đoan xảy ra tại Rome như: Thiết lập bản đồ rủi ro đang xay ra trong vùng (xác định chính xác vùng nào đang chịu rủi ro) sau đó tạo ra tình huống mô phỏng có thể xảy ra; nghiên cứu tìm ra sự cân bằng giữa cung và cầu về tài nguyên nước trong vùng, các biện pháp đối phó rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ (trong đó có công nghệ Digital Twin thực tế ảo; sử dụng máy bay viễn thám ghi lại địa hình, địa chất toàn vùng;…); quản lý các đơn vị khai thác sử dụng nước; xây dựng công thông tin để phân tích dữ liệu tài nguyên nước toàn vùng phục vụ công tác quản lý và cung cấp cho người dân;….

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh trao đổi tại buổi làm việc 

Phát biểu trao đổi tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cám ơn những chia sẻ rất hữu ích của ông Marco Casini. Cục trưởng cho rằng, đây là những chia sẻ quý báu nhằm tăng cường đối thoại về mặt thể chế với niềm tin rằng hợp tác là công cụ hiệu quả nhất để đối phó với những thách thức chung liên quan đến tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi làm việc với với Cơ quan quản lý lưu vực sông Appennino

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng đề nghị Cơ quan quản lý lưu vực sông Appenines trao đổi, nhằm làm rõ hơn những nội dung về mô hình tổ chức lưu vực sông, thể chế chính sách, nguồn ngân sách hoạt động của các tổ chức lưu vực sông này;….

Tăng cường hợp tác, quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam

Tại buổi làm việc với Cơ quan Phát triển Italia (AICS) nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý rủi ro liên quan đến nước, hệ thống hỗ trợ ra quyết định, cơ cấu ứng phó và liên kết với bảo vệ dân sự ở cấp khu vực.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Alessandra Lentini - Ban trọng điểm về Giảm thiểu rủi ro thiên tai và phòng chống thiên tai (AICS) cho biết, tài nguyên nước là lĩnh vực trọng tâm trong các hoạt động mà AICS thực hiện, trong đó chú trọng các vấn đề về nguồn nước, tái sử dụng nước thải, phân bổ tài nguyên nước, kiểm soát nguồn nước,…

Tại buổi làm việc, bà Alessandra Lentini cũng mong muốn Đoàn công tác chia sẻ những thông tin về chính sách để quản lý nguồn nước nhằm tăng cường hợp tác, quản lý tốt nguồn tài nguyên nước tại Việt Nam.

Đoàn công tác làm việc với Cơ quan Phát triển Italia 

Phát biểu trao đổi tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cám ơn Cơ quan Phát triển Italia trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên nước. Nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Italia, Cục Quản lý tài nguyên nước đã kết hợp với Tổ chức nghiên cứu CIMA thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường năng lực quản lý ngành nước: vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực tại Việt Nam”. Dự án này là hoạt động hợp tác sau khi Luật tài nguyên nước 2023 được ban hành và có hiệu lực (ngày 01/7/2024). Đây là dự án quan trọng nhăm giúp các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại Việt Nam quản lý tốt hơn nguồn nước, tiếp cận mô hình quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ thuộc Cơ quan Phát triển Italia 

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng mong muốn AICS tiếp tục có những hỗ trợ về kỹ thuật, trao đổi thường xuyên để tăng cường năng lực cho các cán bộ đang công tác tại Cục xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân phối tài nguyên nước hiệu quả, thực chất; đặc biệt là có những hoạt động hợp tác, hỗ trợ trực tiếp cho dự án dự báo mùa cho thí điểm dự án tại Lưu vực sông Đồng Nai mà Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ triển khai trong thời gian sắp tới.

Đoàn công tác làm việc với Giám đốc của tổ chức CIMA 

Tại buổi làm việc với Cơ quan Môi trường và Quản lý rủi ro vùng Liguria (Arpal) nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro liên quan đến nước, hệ thống hỗ trợ quyết định, cấu trúc ứng phó và mối liên hệ đến bảo vệ dân sự ở cấp độ vùng, Đoàn công tác đã nghe bà Rosa Maria Bertolotto - Giám đốc Cơ quan Môi trường và Quản lý rủi ro vùng Liguria giới thiệu những thông tin về hệ thống quản lý cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn của vùng. Theo đó, toàn bộ nước Ý được chia ra 20 vùng, mỗi vùng đều có trung tâm thu thập khí tượng thủy văn để theo dõi diễn biễn khí hậu, tập hợp thông tin để cảnh báo kịp thời khi có thời tiết cực đoan.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ thuộc Cơ quan Môi trường và Quản lý rủi ro vùng Liguria (Arpal) 

Trên cơ sở nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn công tác cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về hạn chế những sai số trong công tác dự báo, cách thức truyền thông tới người dân hiệu quả. Đặc biệt là các giải pháp cảnh báo dự báo khí tượng thủy văn khi mưa lũ, công tác điều tiết các hỗ chứa nhằm giảm, cắt lũ cho hạ du;….

Cùng với đó, Đoàn công tác đã làm việc với Giám đốc của tổ chức CIMA nhằm chia sẻ thông tin về các hoạt động của CIMA về các lĩnh vực liên quan đến nước tại Italia và trên thế giới; tham dự Hội thảo phát triển bền vững, Phiên họp về Nước, Biến đổi khí hậu và Cảnh báo sớm, với AICS.

Trên cơ sở những nội dung được trao đổi, thảo luận, Đoàn công tác cũng đã có bài thuyết trình về dự án dự báo mùa cho thí điểm dự án tại Lưu vực sông Đồng Nai; thảo luận về thí điểm dự án và các bước triển khai tiếp theo; đồng thời, thảo luận về các hoạt động tiếp theo và các hợp tác trong tương lai giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và Cơ quan Phát triển Italia (AICS) nhằm hướng đến quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam./.

DWRM

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Mê Công 1995: Khẳng định cam kết bảo vệ, quản lý và phát triển bền vững dòng sông chung

Kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Mê Công 1995: Khẳng định cam kết bảo vệ, quản lý và phát triển bền vững dòng sông chung

Chiều ngày 24/4, tại Viêng Chăn (Lào), Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995 (Hiệp định Mê Công 1995).

ADB và WB hỗ trợ gần 400 triệu USD cho 3 dự án lớn tại Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết các hiệp định cho vay và viện trợ với tổng giá trị gần 400 triệu USD với Việt Nam. Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và hai định chế tài chính quốc tế hàng đầu.
Nhật Bản sẽ thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại Hà Nội

Nhật Bản sẽ thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại Hà Nội

Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, tuần hoàn tài nguyên và quản lý chất thải điện tử hiệu quả, bền vững.