Báo cáo tham luận tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” diễn ra vào chiều ngày 10/5 tại tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong thời gian qua, đóng góp của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám là không hề nhỏ, cùng với đó là các sản phẩn ứng dụng chuyển giao phục vụ sản xuất, phục vụ quản lý đã từng bước đưa công tác quản lý đạt mục tiêu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó đã đạt được một số kết quả nổi bật về ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ số, kết nối vạn vật (iot), chuyển đổi số trong hoàn thiện pháp luật; hình thành một số hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo trực tuyến ứng dụng kết nối vạn vật (IoT).
Ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ số, kết nối vạn vật (iot), chuyển đổi số trong hoàn thiện hệ thống pháp luật
Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã nghiên cứu các kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT), chuyển đổi số và thực trạng các sản phẩm thương mại sử dụng trong các lĩnh vực nêu trên để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám đối với quy định về cơ sở dữ liệu; quy định về chính sách trong nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), trong đó:
Đối với bảo vệ môi trường, đã quy định về cơ sở dữ liệu môi trường (được quy định tại Điều 114, 115 và 116 Luật Bảo vệ môi trường), gồm: (1) cụ thể các thông tin, dữ liệu môi trường; (2) cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật, lưu trữ và quản lý đáp ứng yêu cầu truy nhập, cung cấp, sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ công về môi trường;
Đối với tài nguyên nước, đã quy định về cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước (Điều 7, Luật tài nguyên nước 2023) đã quy định: (1) Cụ thể các thông tin, số liệu về tài nguyên nước; (2) Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải bảo đảm các yêu cầu về: tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước với cơ sở dữ liệu liên quan đến điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ công về tài nguyên nước; truy cập, tiếp cận, sử dụng thông tin, dữ liệu và cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đối với viễn thám, đã quy định việc xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh hàng không và hệ thống dữ liệu ảnh viễn thám (Điều 10 Luật đo đạc và bản đồ).
Cùng với đó, quy định về chính sách trong nghiên cứu khoa học công nghệ đối với bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể như sau: Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường đối với nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ môi trường (điểm e khoản 1 Điều 148 Luật BVMT).
Đối với tài nguyên nước: Phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 6, Luật TNN). Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ để phục vụ các hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên nước; hạch toán tài nguyên nước; Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ nhằm khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Điều 72 Luật TNN).
TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thámKết quả nổi bật về chuyển đổi số trong lĩnh vực Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám
Trên cơ sở quy định của pháp luật về về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã quyết liệt triển khai để đưa các quy định pháp luật vào trong cuộc sống đặc biệt là trong việc thực hiện Chính phủ số và bước đầu đã đạt được một số thành tựu nổi bật sau:
Đối với bảo vệ môi trường, đã xây dựng vận hành 2 Hệ thống áp dụng công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT) gồm: (1) Hệ thống tiếp nhận, tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường; (2) Hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động, công bố chỉ số AQI và dự báo chất lượng môi trường.
Đối với tài nguyên nước, ngay sau Luật TNN 2023 có hiệu lực, Bộ NN&MT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và đến nay bước đầu đã hình thành sản phẩm thử nghiệm, gồm: (1) Giám sát tài nguyên nguyên nước trên nền tảng IoT (đã cập nhật 11.237 công trình khai thác do địa phương quản lý, 831 công trình do Bộ quản lý); (2) Vận hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên nền tảng công nghệ số và IoT (giám sát và phục vụ điều hòa phân phối tàinguyên nước 11 Quy trình vận hành); (3) Bản đồ hạn hán thời gian thực trên cơ sở công nghệ số (đã có bản Demo hệ thống).
Đối với viễn thám, cơ sở viễn thám quốc gia được vận hành bởi Cục Viễn thám quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu chứa hàng chục ảnh vệ tinh phủ trùm toàn quốc được chụp tại các thời điểm khác nhau được thu thập tại các trạm thu tại Cục như: VNREDSAT-1 (cung cấp dữ liệu độ phân giải 2,5m), SPOT6 (cung cấp dữ liệu độ phân giải 1,5m), KOMPSAT-3A (cung cấp dữ liệu độ phân giải 0,55m);… Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám có khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
Định hướng trong nghiên cứu đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viến thám trong thời gian tới
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, trong thời gian tới cần phải đưa được kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ vào cuộc sống. Trong đó, chú trọng việc phục vụ quản lý, quản trị tài nguyên nước trên nền tảng số, công nghệ số đảm bảo định hướng theo Kế hoạch số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về nhiệm vụ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và quy định pháp luật về tài nguyên nước đối với cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ ra quyết định, hệ thống điều hòa phân phối nguồn nước, điều tiết tài nguyên nước theo thời gian thực. Điều này muốn thực hiện cần có các nghiên cứu khoa học và công nghệ và cần ưu tiên thực hiện nội dung cụ thể sau:
Một là, quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong điều hòa, phân phối nguồn nước đã có chính sách quy định cụ thể trong Luật tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện nay để thực thi chính sách này vẫn chưa có công cụ để thực hiện trong thực tế.
Hai là, cần có các nghiên cứu phục vụ dự báo nguồn nước, xây dựng kịch bản nguồn nước để công bố hàng năm. Trên cơ sở đó cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến nguồn nước từ 6-9 tháng để làm căn cứ cho các ngành Nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp, cấp nước đô thị, điều độ điện quốc gia xây dựng kế hoạch sử dụng nước chủ động. Các nghiên cứu cần tập trung cho phần mềm, công cụ hỗ trợ ra quyết định, bản đồ hạn hán thiếu nước theo thời gian thực và dự báo ngắn hạn, mùa. Các sản phẩm này có thể được cập nhật và đưa lên điện thoại, kết nối các cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo, điều hành.
Ba là, cần có nghiên cứu về phương pháp luận tính giá trị nước trong các ngành kinh tế. Theo đó, đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường là giá trị của tài nguyên nước nước đóng góp cho ngành thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, góp phần tăng trưởng toàn ngành, toàn xã hội.
Đối với lĩnh vực môi trường, trong thời gian tới cần phải đưa được kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ áp dụng cho: hoàn thiện chính sách phục vụ công tác quản lý; xây dựng được những giải pháp, mô hình, công nghệ trong xử lý môi trường, quan trắc giám sát, cảnh báo môi trường, trong đó ưu tiên một số nhiệm vụ sau:
Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để làm rõ nội hàm của những khái niệm mới, nội dung mới yêu cầu mới đặt ra trong công tác BVMT. Trên cơ sở đó bổ sung các quy định trong quá trình xây dựng và sửa đổi văn bản pháp luật về BVMT, xây dựng chương trình, chiến lược, kế hoạch, đề án… trong quản lý môi trường; tập trung nghiên cứu để làm rõ và đề xuất áp dụng những giải pháp quản lý môi trường mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi; xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia BVMT, thu hút nguồn lực ngoài nhà nước tham gia BVMT đặc biệt trong các lĩnh vực xử lý chất thải, xử lý nước thải, quan trắc môi trường.
Bên cạnh đó, phát triển các khung pháp lý, chính sách, mô hình quản lý môi trường dựa trên dữ liệu khoa học để thúc đẩy phát triển bền vững; nghiên cứu và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về môi trường (phát thải và công nghệ) phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho công tác quản lý môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đề xuất các giải pháp công nghệ, mô hình công nghệ mới, hiện đại trong xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải, công nghệ thu hồi năng lượng từ chất thải, công nghệ quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hướng tới hình thành và phát triển ngành dịch vụ công nghiệp môi trường; Nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong quan trắc môi trường: Tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, trong đó chú trọng tới các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cảm biến, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để từng bước chuyển đổi số, số hoá các dữ liệu quan trắc môi trường, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường, tăng cường khả năng tiếp cận với thông tin về chất lượng môi trường của doanh nghiệp và người dân.
Đối với lĩnh vực Viễn thám, trong thời gian tới cần ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám trong: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thám; (2) Đẩy mạnh xây dựng CSDL viễn thám quốc gia thành CSDL lớn; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát các lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (4) Triển khai đề án khoa học và công nghệ theo quyết định số 860/BNNMT-KHCN ngày 09/04/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc xây dựng kế hoạch, đặt hàng các nhiệm vụ KHCN bắt đầu thực hiện từ năm 2026 theo chủ trương Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị quyết số 71/NQ-CP như sau:
Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thám giai đoạn 2025-2030 và thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 tại quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung các nhiệm vụ để hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thám như sau: Đề xuất xây dựng Luật Viễn thám; trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám. Căn cứ pháp lý sửa đổi bổ sung Nghị định số 03/2019/NĐ-CP quy định tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 532/QĐ-BNNMT ngày 28 tháng 3 năm 2025 về việc ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Đẩy mạnh xây dựng CSDL viễn thám quốc gia thành CSDL lớn. Xây dựng nền tảng thu nhận dữ liệu viễn thám đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật "đúng, đủ, sạch, sống". Định hướng xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu theo tiêu chuẩn STAC (tiêu chuẩn dữ liệu không gian toàn cầu: https://stacspec.org/en/) phục vụ giám sát nông nghiệp và môi trường với tần suất quan trắc theo ngày, thời gian thực;
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát các lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Trong đó, chú trọng xây dựng nền tảng dựa trên công nghệ viễn thám kết hợp với các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine learning), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) hỗ trợ giám sát nông nghiệ và môi trường như: phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh,v.v... phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, khai thác bền vững tài nguyên đã được đề cập đến tại quyết định số 503/QĐ-BNNMT; quyết định số 681/QĐ-BTNMT về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025;...