G+ ( dwrm.mae.gov.vn/vinh-long-ke-hoach-quan-ly-chat-luong-moi-truong-nuoc-mat-den-nam-2030-15541.htm)
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ 100% khối lượng nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thu gom, xử l đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; đến năm 2030 phấn đấu 50% nước thải sinh hoạt tại đô thị loại II trở lên và 20% đối với đô thị loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; đảm bảo 100% các cơ sở có nguồn phát sinh nước thải lớn được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Kế hoạch nêu rõ để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt cần rà soát và nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động liên tục, bổ sung các vị trí quan trắc định kỳ phù hợp với tình hình phát triển của địa phương; bổ sung hệ thống quan trắc thủy văn chuyên dùng, cung cấp thông tin độ mặn vào mùa khô đến cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ và năng lực thực hiện việc quan trắc, thông tin môi trường và khí tượng thủy văn của tỉnh Vĩnh Long…
Giải pháp về cơ chế, chính sách là thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 về bảo vệ tài nguyên nước; quy định về phân vùng môi trường theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn hơn 200 m3/ngày và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; xử lý kiên quyết và triệt để các cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết kịp thời và dứt điểm các khiếu nại, tố cáo về môi trường.
Xây dựng hệ thống chia sẻ cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường khoa học, phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo kịp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, quy hoạch các ngành, đồng bộ, thống nhất mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường của tỉnh với mạng lưới quốc gia; đảm bảo theo các quy định hiện hành của pháp luật, làm cơ sở để dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường, hoạch định các chính sách, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Thực hiện các quy định về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tăng cường năng lực cho các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ nguồn nước nói chung và phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nói riêng.
Các giải pháp về tổ chức, huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng là nâng cao nhận thức các chính sách về tài nguyên nước thông qua tuyên truyền các văn bản pháp lý, quy định và chính sách liên quan đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước. Các hoạt động này được triển khai đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước và phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước mặt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật và các chính sách bảo vệ tài nguyên nước thông qua các trang thông tin điện tử của tỉnh, ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm cung cấp thông tin đến mọi tầng lớp nhân nhân.
Phát huy vai trò và năng lực của các cơ quan báo chí địa phương, đài truyền hình, truyền thanh; chú trọng chất lượng và nội dung thông tin để đưa công tác tuyên truyền hiệu quả đến cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và cải thiện chất lượng nguồn nước mặt. Cân đối các nguồn ngân sách của địa phương và huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình vào các kế hoạch trung hạn, dài hạn để đầu tư. Sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA và nguồn xã hội hóa để đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung tập trung ở các khu đô thị, làng nghề. Tích cực vận động để huy động nguồn lực, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vốn sự nghiệp kinh tế và xã hội hóa cho việc bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Các giải pháp công trình, phi công trình khác như đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi hiện có và tiếp tục đầu tư các công trình, dự án trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên lĩnh vực Thủy lợi đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt tại Quyết định số 1785/QĐ-UBND ngày 12/9/2024. Đầu tư phát triển các hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu các đô thị loại IV trở lên có 1-2 trạm xử lý nước thải; xây dựng kế hoạch thu gom nước thải và vận hành sau khi xây dựng hạ tầng xử lý nước thải.
Xây dựng các mô hình xử lý nước thải có khả năng ứng dụng cao cho khu vực đô thị nhằm đảm bảo khả năng loại bỏ các thành phần ô nhiễm BOD5, COD, tổng Nitơ và tổng Photpho có trong nước thải sinh hoạt; xây dựng bể chứa chất thải và ủ phân hoặc xây dựng hầm tự hoại thu gom nước thải và chất thải rắn chăn nuôi trước khi thải ra kênh, rạch. Đối với các điểm dân cư nông thôn có lượng nước thải nhỏ và phân tán tận dung hệ thống kênh, mương nội đồng, ao, hồ sẵn có ngoài đồng để xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên; tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ nông nghiệp. Từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải thành hệ thống thoát nước nửa riêng hoặc hệ thống thoát nước riêng.
DWRM