Lễ ký kết Văn kiện dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”

G+ ( dwrm.mae.gov.vn/le-ky-ket-van-kien-du-an-nang-cao-an-ninh-nguon-nuoc-da-dang-sinh-hoc-va-sinh-ke-thich-ung-thong-qua-quan-ly-tong-hop-tai-nguyen-nuoc-va-phuc-hoi-he-sinh-thai-tai-luu-vuc-song-hong--thai-binh-15407.htm)

19:58 16/05/2025

Chiều ngày 16/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Lễ ký kết Văn kiện dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.

Tham dự buối Lễ ký kết, về phía cơ quan chủ quản có Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; các Phó Cục trưởng: Nguyễn Minh Khuyến, Ngô Mạnh Hà, Nguyễn Hồng Hiếu; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước. Về phía đơn vị đồng tổ chức, gồm có: ông Rémi Nono Womdim Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam; ông Nguyễn Song Hà, trợ lý trưởng đại diện, quản lý chương trình của Tổ chức FAO tại Việt Nam; cùng các cán bộ của FAO.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại buổi Lễ ký kết

Đến dự và phát biểu tại Lễ ký kết có ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Đầu mối tác nghiệp Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam; cùng đại diện Vụ HTQT, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Với mục tiêu tăng cường tính bền vững môi trường và an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, trong khuôn khổ Chương trình tích hợp phục hồi hệ sinh thái của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã hợp tác với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) xây dựng dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”, gọi tắt là dự án ERIP.

Dự án được bắt đầu từ khâu lên ý tưởng vào cuối năm 2022, trải qua nhiều vòng xét duyệt của Quỹ Môi trường toàn cầu, ý tưởng đã được cấp kinh phí để xây dựng văn kiện dự án vào năm 2023, sau quá trình khảo sát, đánh giá tại nhiều địa phương trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình như: Bắc Kạn, Phú Thọ, Yên Bái,… đồng thời, tổ chức hơn 10 cuộc tọa đàm, hội thảo tham vấn, thảo luận với các đối tác quốc tế và trong nước, tìm kiếm các dự án đồng tài trợ thì đến tháng 12/2024, dự án đã chính thức được Quỹ Môi trường toàn cầu phê duyệt cấp kinh phí triển khai. Sau một thời gian làm việc nỗ lực và trách nhiệm của nhóm xây dựng dự án, với sự đồng hành và ủng hộ của các bên liên quan từ trung ương đến địa phương qua các bước xin ý kiến, giải trình ý kiến từ các Bộ ban ngành, vượt qua giai đoạn sát nhập, đến tháng 4/2025, Văn kiện dự án đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt.

Phát buổi tại buổi Lễ Ký kết, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng nhu cầu sử dụng nước đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý và khai thác tài nguyên nước, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển sinh kế bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, với vai trò là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, cũng đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển, ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái và sự mất cân bằng trong sử dụng tài nguyên nước.
Trước thực trạng đó, trong khuôn khổ Chương trình tích hợp phục hồi hệ sinh thái của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) để xây dựng Dự án“Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.

Với vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng và thực hiện dự án phía Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước rất vui mừng khi nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị liên quan đối với dự án. Sau quá trình xây dựng văn kiện với sự phối hợp, tham vấn các chuyên, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tác quốc tế, Đến nay, Văn kiện dự án đã được được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt tại Quyết định 1055/QĐ-BNNMT ngày 23/4/2025, theo đó, ủy quyền Cục Quản lý tài nguyên nước ký kết Văn kiện Dự án tiếng Anh với FAO.

“Lễ ký kết văn kiện dự án ngày hôm nay không chỉ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác mà còn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thống nhất phương hướng triển khai, nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng và tính lâu dài của dự án, đồng thời mở rộng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước” – Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Rémi Nono Womdim Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam phát biểu

Phát buổi tại buổi Lễ Ký kết, ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, dự án này thể hiện một khoản đầu tư lớn vào sự phát triển bền vững của lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Thông qua việc phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên và trao quyền cho cộng đồng tham gia vào quản lý đất và nước bền vững, dự án này nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng dân cư và hệ sinh thái tự nhiên.

“Quan trọng hơn, dự án tìm cách tăng cường sự phối hợp thể chế và chính sách nhất quán để đảm bảo rằng các can thiệp không chỉ hiệu quả ở cấp địa phương mà còn phù hợp với các ưu tiên quốc gia và các cam kết môi trường quốc tế của Việt Nam, tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu” - Trưởng đại diện FAO phát biểu.

Ông Rémi Nono Womdim cũng cho biết, Sáng kiến này phù hợp với tầm nhìn của Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2030 do FAO và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động. Dự án cũng hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững và thực hiện các cam kết quốc gia theo các thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng, bao gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Công ước về Đa dạng sinh học, và Công ước của Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa.

Ông Rémi Nono Womdim cũng chia sẻ, FAO nhận thấy rằng giải quyết các vấn đề về nước đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên. Quản lý tài nguyên nước tổng hợp (IWRM) phù hợp với tầm nhìn "bốn tốt hơn" của FAO bao gồm: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Cùng với đó là mối liên hệ chặt chẽ giữa nước, vệ sinh, sức khỏe, hệ sinh thái và hệ thống lương thực.

“Việc ký kết văn kiện dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng. Thành công của dự án sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ và sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ mang lại những kết quả hữu hình và lâu dài cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình và cho những người dân phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của lưu vực sông này” - Trưởng đại diện FAO nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Đầu mối tác nghiệp Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam
Quang cảnh buổi Lễ ký kết

Chia sẻ thông tin về Dự án, ông Nguyễn Thái Anh, Cán bộ kỹ thuật dự án GEF (FAO) cho biết, dự án được triển khai trong vòng 05 năm từ nguồn ngân sách của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO). Cơ quan thực hiện dự án là Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM).

Ông Nguyễn Thái Anh, Cán bộ kỹ thuật dự án GEF (FAO) chia sẻ thông tin về Dự án

Dự án sẽ được thực hiện trong phạm vi các tỉnh nằm trong Lưu vực sông Hồng- Thái Bình bao gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định và Hà Nội (không bao gồm các xã thuộc khu vực biên giới và các khu vực không được phép theo quy định).

Mục tiêu tổng quát của Dự án là áp dụng phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, đảo ngược xu thế suy thoái hệ sinh thái, duy trì và tăng cường đa dạng sinh học đồng thời với nâng cao sinh kế của người dân.

Nội dung thực hiện của dự án bao gồm 4 hợp phần: (1) Thúc đẩy an ninh nguồn nước bằng cách hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi để phục hồi tổng hợp hệ sinh thái; (2) Nghiên cứu và đề xuất thực hiện các cơ chế khuyến khích quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương; (3) Tăng cường năng lực và phổ biến kiến thức; (4) Giám sát và đánh giá.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh và Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam Rémi Nono Womdim trao Văn kiện ký kết  Dự án

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ ký kết Văn kiện dự án

Phát biểu kết luận tại buổi Lễ ký kết Văn kiện, thay mặt lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Văn phòng Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Cục để thực hiện nhiều dự án và hợp tác khác được đánh giá cao. Cùng với đó, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cảm ơn các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, đặc biệt là Vụ Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Quốc tế về Quản lý môi trường ICEM đã luôn đồng hành cùng Cục Quản lý tài nguyên nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững tài nguyên nước.

DWRM